“Chỉ là một cái nón bảo hiểm thôi mà, sao lại mắc đến thế?”. Đây là câu hỏi thường gặp khi nghe giá một chiếc mũ bảo hiểm carbon. Vậy vì sao mũ carbon lại có giá thành cao? Liệu mũ carbon có xứng đáng với giá tiền? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Về chất liệu sợi carbon
Chất liệu này không còn xa lạ trên thị trường ô tô, được ứng dụng để sản xuất nhiều loại xe cao cấp. Carbon Fiber nổi tiếng vì nhẹ và cực kỳ dẻo dai. Sợi Carbon được tạo ra bằng cách kết nối các sợi carbon rất mỏng với nhau để tạo ra một lớp mỏng như vải.
Sau đó, sợi carbon được trộn với nhựa dẻo hoặc keo để liên kết lại với nhau và tạo ra độ cứng. Do quá trình sản xuất phức tạp nên giá thành của các sản phẩm Sợi Carbon có thể đắt hơn đáng kể. Phức tạp là thế, sợi Carbon có ưu điểm gì? Và có đáng tiền hay không?
Mũ bảo hiểm bằng sợi carbon là gì?
Sợi carbon là vật liệu có giá trị và được săn lùng nhiều nhất hiện nay bởi nó mang lại những đặc tính khó mà so sánh được so với các vật liệu khác trên thị trường. Sợi carbon là hỗn hợp của carbon, sợi graphite hoặc sợi than chì. Đây là những sợi có đường kính khoảng 5-10 micromet và có thành phần chủ yếu là các nguyên tử carbon. Để tạo ra sợi carbon, các nguyên tử carbon được liên kết với nhau trong các tinh thể liên kết song song với trục dài thành sợi. Nhờ sự liên kết tinh thể cao, vài ngàn sợi carbon được bó lại với nhau để tạo thành một cuộn, có thể dệt thành lớp mỏng như vải. Và công đoạn này chỉ được thực hiện thủ công, cần sự tỉ mỉ và chuyên môn cao.
Để tạo nên một chiếc mũ bảo hiểm làm từ sợi carbon, phải tốn thời gian nhiều gấp 4 lần so với một chiếc mũ làm từ nhựa ABS. Độ chính xác, kỹ thuật chuyên môn để làm nên mũ Carbon cũng yêu cầu cao hơn so với các vật liệu khác, lực lượng lao động trong các nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm carbon phải được đào tạo bài bản và dành nhiều thời gian để học hỏi và hoàn thiện tay nghề. Công đoạn đắp các miếng carbon lên khung mũ bảo hiểm hoàn toàn thủ công và cần sự tỉ mỉ, do đó, giá thành của sợi Carbon cao cũng là điều dễ hiểu.
Bạn sẽ thường nghe thấy các thuật ngữ như sợi carbon 3K và 6K. 1K sẽ bằng 1000 sợi carbon cuộn lại. Do đó, sợi Carbon 6K có nghĩa là 6000 sợi carbon kết hợp với nhau thành 1 bó. Sau đó, bó sợi carbon này sẽ được dệt lại thành những tấm vải sợi để làm thành vật liệu cực kì bền chắc.
Điều này đề cập đến số lượng sợi carbon trong mỗi sợi carbon. Vì vậy, sợi carbon 3K có 3000 sợi nhỏ và là loại sợi carbon tốt toàn diện, trong khi sợi carbon 6000 sợi carbon 6K và rẻ hơn một chút với kiểu dệt dày hơn. Đáng chú ý là số lượng sợi dệt cũng có thể ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài của carbon nếu quan sát kỹ.
Ưu điểm của mũ bảo hiểm carbon
Trong ngành đồ bảo hộ motor, sợi Carbon được xem là vật liệu cao cấp với khả năng bảo vệ an toàn tối ưu nhất cho người sử dụng. Ưu điểm rõ ràng của mũ bảo hiểm carbon chính là trọng lượng. Một chiếc mũ bảo hiểm nhẹ nhưng vẫn bảo vệ an toàn cho người đội là điều mà ai cũng mong muốn!
Việc đội một chiếc mũ bảo hiểm nhẹ hơn sẽ làm giảm mệt mỏi và căng thẳng cho cơ thể. Mũ bảo hiểm bằng sợi carbon cũng có thể có lớp vỏ bên ngoài mỏng hơn, nghĩa là có nhiều không gian bên trong mũ bảo hiểm hơn để đặt đệm và xốp. Điều này có nghĩa là thiết kế bên trong của mũ bảo hiểm carbon có thể được tận dụng hiệu quả hơn, bảo đảm độ vừa vặn, êm ái cho người đội.
Tiếp đến hãy nói về hiệu quả của carbon khi người đội không may xảy ra va chạm mạnh. Sợi carbon được xem là vật liệu tiêu biểu của thế kỷ 21 nhờ hội tụ các đặc trưng: nhẹ, nhỏ, khả năng chịu nhiệt tốt, chịu lực gấp 5 lần và cứng gấp 2 lần thép.
Trong các đấu trường đua xe lớn nhất hành tinh như Formula 1 và Moto GP, sợi carbon được xem là chất liệu hàng đầu để sản xuất những chiếc nón bảo hiểm đạt chuẩn FIM dành cho các tay đua. Carbon có sức mạnh phi thường nhưng lại cực kỳ nhẹ, có độ cứng cao, độ bền cao, chịu ăn mòn tốt, kháng nhiệt độ cao và giãn nở nhiệt thấp. Nhờ những đặc tính nổi trội này, sợi carbon được ví là nguyên liệu làm nên cuộc cách mạng trong vật liệu ứng dụng và được dùng phổ biến trong ngành hàng không, quân sự cũng như thể thao. Nón bảo hiểm làm từ sợi carbon đảm bảo các yếu tố nhẹ, bền, chống va đập tốt.
Mũ carbon có nhược điểm hay không?
Sợi carbon có khả năng hấp thu lực va đập với nguyên lý lan truyền lực theo phương ngang (bề mặt vỏ nón). Khi xảy ra va chạm mạnh, vỏ nón sẽ hấp thu một phần lực va đập trước khi truyền theo phương dọc vào mút xốp. Vì thế, rất có thể lớp vỏ sẽ bị nứt dù mức độ hấp thu va đập cực kỳ tốt. Kiến thức vật lý phổ thông, đọc đến đây sẽ nhanh chóng hiểu được vỏ carbon cần phải nứt để hấp thu lực va đập, nó “hi sinh bể” để đầu chủ nó không bể.
Thêm vào đó, bạn không nên sử dụng lại mũ bảo hiểm sau khi va chạm mạnh vì lúc này, mũ bảo hiểm đã không còn khả năng bảo vệ đầu của bạn như trước. Trên thực tế, mũ bảo hiểm chỉ bảo vệ đầu của bạn hiệu quả nhất trong lần va chạm mạnh đầu tiên, đây cũng là lúc mũ bảo hiểm hoàn thành sứ mệnh của nó.
Phần vỏ mũ bảo hiểm có thể bị hư hại ngay cả khi trông nó vẫn ổn hoặc chỉ có vài vết xước nhỏ, khu vực bị hư hại đó sẽ không còn khả năng bảo vệ vào lần tiếp theo.
Snell, một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ, tuyên bố trên trang web của họ rằng lớp lót xốp bảo vệ trong mũ bảo hiểm bắt đầu bị nát và vỡ ngay cả khi gặp những va chạm nhỏ nhất. Một khi lớp bảo vệ của mũ (vỏ mũ, mút xốp EPS) bị tổn hại, mũ bảo hiểm gần như hoàn toàn vô dụng khi nó không còn có thể hấp thụ nhiều lực tác động lên đầu người lái xe như trước.
Nếu không dùng lại mũ sau va chạm, việc vỏ mũ carbon có bị nứt hay không cũng đâu còn là vấn đề gì to tát? Chẳng phải chiếc mũ đó đã hoàn thành sứ mệnh của nó rồi hay sao? Đây chính là lúc bạn đầu tư cho mình một chiếc mũ mới.
Vậy, mũ bảo hiểm carbon có đáng tiền hay không?
Đáng tiền hay không là quan điểm riêng của từng người, nó còn phụ thuộc vào sở thích cá nhân, ngân sách bạn sẵn sàng chi cho một chiếc mũ bảo hiểm và mục đích sử dụng.
Vì thế, chúng tôi xin phép liệt kê những đối tượng phù hợp với mũ carbon, và tất nhiên, với những ai nằm trong danh sách này thì mũ carbon hoàn toàn là một khoản đầu tư không hề lãng phí!
– Những ai dành nhiều thời gian cho việc khám phá thế giới, rong ruổi trên những chặng đường dài bằng motor/ xe gắn máy.
– Những ai đam mê tốc độ, chinh phục những đường đua xé lửa.
– Những ai thích mũ bảo hiểm nhẹ mà vẫn an toàn, hiểu được những lợi ích họ nhận được khi sở hữu một chiếc mũ carbon hoàn toàn là “tiền nào của đó’.
Mũ bảo hiểm bằng sợi carbon thường là loại mũ bảo hiểm có thông số kỹ thuật cao nhất được các nhà sản xuất bán ra, do đó chúng thường được áp dụng công nghệ hiện đại nhất với những tiện ích hàng đầu, từ hệ thống thông gió, kính chắn, hệ thống tháo lót khẩn cấp,.. Nhờ đó, chiếc mũ carbon có khả năng cao sẽ đồng hành lâu dài cùng bạn.
Ngoài ra, khi mua mũ carbon chính ngạch, bạn còn có quyền lợi hưởng các chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng, bảo hành chính hãng. Như thương hiệu LS2 tại Việt Nam do công ty BBI chủ quản, những chiếc nón carbon được bảo hành 2 năm chính hãng.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đến bạn những thông tin có thể cần thiết khi chọn lựa một chiếc mũ bảo hiểm an toàn, chất lượng. Quyết định mua mũ bảo hiểm carbon hay không là ở bạn, LS2 khuyến khích bạn đến trực tiếp các cửa hàng chính hãng của chúng tôi trên toàn quốc để trải nghiệm sản phẩm.
* Bài viết tham khảo từ fastracer.com, tác giả Matt Lambert tại RightMotorsport.